Cung cấp giải pháp nhân sự, tư vấn, xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, KPIs, 5S, trách nhiệm xã hội “CSR”, SMETA
Hài lòng của quý khách là thành công của chúng tôi

HÀNG THÁNG, LƯƠNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TRỪ NHỮNG KHOẢN NÀO ?

Hàng tháng, người lao động được người sử dụng lao động trả tiền lương tương xứng với công việc đã thực hiện. Tuy nhiên, trong lương sẽ có một số khoản bị trừ mà không phải ai cũng phải biết.

Tiền lương người lao động được tính thế nào?

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động năm 2012, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Đồng thời, tại Điều 94 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Ngoài ra, tiền lương có thể được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng.

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 14 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, cách tính lương của người lao động theo ngày công được tính theo công thức sau:

Tiền lương/ngày = Tiền lương tháng cộng phụ cấp chia số ngày làm việc chế độ của tháng

Trong đó:

Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động (căn cứ Công văn 3230/LĐTBXH-LĐTL).

Số ngày làm việc bình thường: Tối đa không quá 26 ngày.

Hàng tháng, lương của người lao động bị trừ những gì?

Mặc dù tiền lương là số tiền mà người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về mức hưởng, hình thức hưởng, cách thức nhận…

Tuy nhiên, trên thực tế, song song với việc nhận lương, người lao động phải thực hiện một số nghĩa vụ để được hưởng quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do đó, dưới đây là một số khoản được trừ trong lương của người lao động hàng tháng để thực hiện các nghĩa vụ đó, gồm:

1/ Đóng các loại bảo hiểm

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Do đó, hàng tháng người lao động sẽ phải trích từ tiền lương một số tiền nhất định để tham gia các khoản bảo hiểm này, cụ thể:

– Bảo hiểm xã hội: 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất (căn cứ khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

– Bảo hiểm y tế: 1,5% tiền lương. Bởi theo quy định tại Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng là 4,5% tiền lương.

Trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 (tương ứng 3%) và người lao động đóng 1/3 (tương ứng 1,5%) theo khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế mới nhất sửa đổi khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008.

– Bảo hiểm thất nghiệp: 1% tiền lương (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm).

2/ Nộp Đoàn phí công đoàn nếu người lao động là Đoàn viên

Mức nộp: 1% tiền lương (căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Quyết định 1908 năm 2016);

3/ Nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có)

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 119 năm 2014, người phải nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú, có thu nhập chịu thuế.

Trong đó, thu nhập chịu thuế là thu nhập đã trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh, đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học…

Từ ngày 01/7/2020, chỉ người có thu nhập lớn hơn 11 triệu đồng (nếu không có người phụ thuộc) mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thêm 01 người phụ thuộc sẽ được giảm trừ thêm 4,4 triệu đồng/tháng (theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14).

Trên đây là chi tiết 03 khoản tiền được trừ hàng tháng trong lương của người lao động theo quy định hiện hành.

 

Theo luatvietnam.vn

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN | XEM TẤT CẢ

DỊCH VỤ CỦA CHÚNG TÔI
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
VIDEO